MUA BÁN NHÀ ĐẤT BẰNG “GIẤY TAY” CÓ ĐƯỢC PHÁP LUẬT CÔNG NHẬN KHÔNG?

Tháng 5/2019, ông A nhận chuyển nhượng 120 m2 đất tại tỉnh Bình Dương của bà B với giá 800.000.000 triệu. Tuy nhiên, hai bên tự viết giấy tay hợp đồng chuyển nhượng và không thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng nêu trên. Ông A đã thanh toán cho bà B số tiền 700.000.000 đồng và nhận đất quản lý, sử dụng. Đến tháng 01/2020, Bà B tranh chấp yêu cầu ông A trả lại đất và cho rằng hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên bị vô hiệu. Vậy ông A có phải trả lại đất nên trên cho bà B không?

 

Căn cứ tại Điều 167 Luật đất đai 2013: “Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này.”

Như vậy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông A và bà B không công chứng, chứng thực là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, ông A đã thực hiện thanh toán hơn 2/3 tổng giá trị hợp đồng, đồng thời ông A đã nhận đất và quản lý, sử dụng từ năm 2019 đến nay.

Tại Điều 129 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực”.

Căn cứ quy định trên thì ông A có thể yêu cầu Tòa án công nhận hiệu lực của giao dịch chuyển nhượng giữa ông A và bà B. ông A sẽ không phải trả lại đất cho bà B, tuy nhiên ông A phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán.



EmailFacebook!Google!Twitter!Zingme!Twitter!Twitter!
Đánh giá: 23 bình chọn, 0/10