“TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT”

TỘI “TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT” THEO CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015

Căn cứ theo quy định tại Điều 230 Bộ luật Hình sự 2015, các yếu tố cấu thành tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai như sau:

Thứ nhất, khách thể:

Tội phạm này xâm phạm chế độ quản lý và sử dụng đất đai của Nhà nước, xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của người khác.

Đối tượng tác động của các tội phạm này là đất đai.

Thứ hai, mặt khách quan:

Về hành vi:

Chủ thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm:

  • Vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư;
  • Vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về tài sản, về sản xuất kinh doanh.

-           Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định pháp luật đất đai trong việc giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất, cho phép chuyển quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Hành vi này có thể thực hiện bằng hành động hay không hành động[1].

-          Bồi thường về đất: là việc nhà nước bồi thường, đền bù bằng đất tương ứng cho người sử dụng đất khi bị thu hồi đất nhằm đảm bảo đời sống, đảm bỏa nơi ăn ở, sinh sống, an ninh, sản xuất đầu tư kinh doanh... khi diện tích đất thu hồi đảm bảo các điều kiện tại Điều 75 Luật Đất đai 2013 và các quy định khác pháp luật. Nhà nước quy định cụ thể điều kiện được bồi thường về đất, diện tích đất được bồi thường, loại đất được bồi thường tương ứng. Trong trường hợp người có diện tích đất thu hồi không có nhu cầu bồi thường bằng đất hoặc không có đất để bồi thường thì được nhà nước bồi thường bằng tiền tương ứng với giá trị diện tích đất thu hồi theo giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

-          Khi Nhà nước thực hiện bồi thường về đất, người sử dụng đất còn được bồi thường về các chi phí đầu tư vào đất còn lại. Chi phí đầu tư vào đất còn lại là các chi phí mà người sử dụng đất đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng nhưng đến thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đát còn chưa thu hồi hết. Chi phí đầu tư vào đất còn lại gồm toàn bộ hoặc một phần của các khoản chi phí sau: chi phí san lấp mặt bằng; chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp; chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh; chi phí khác có liên quan đã đầu tư  vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất.

Theo quy định của pháp luật hiện nay, các khoản bồi thường về tài sản, về sản xuất kinh doanh phải ngừng gồm:

  • Bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất;
  • Bồi thường với cây trồng, vật nuôi;
  • Bồi thường chi phí di chuyển tài sản khi thu hồi đất;
  • Bồi thường thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ an toàn.

-          Hỗ trợ và tái định cư: ngoài việc được bồi thường về đất, người sử dụng đất còn được nhà nước hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp hoặc thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở; được nhận các khoản hỗ trợ khác (hỗ trợ tiền, công cụ lao động, các khoản tài chính ưu đãi...). Trong trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở, người sử dụng đất được Nhà nước hỗ trợ bằng việc lập và thực hiện dự án tái định cư.

Người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của pháp luật về bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư có thể thực hiện các hành vi như:

-          Không bồi thường về đất, không hỗ trợ và tái định cư hoặc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thấp hơn diện tích đất, các khoản hỗ trợ, tái định cư mà người sử dụng đất được bồi thường về đất, hỗ trợ gây thiệt hại cho người sử dụng đất có đất bị thu hồi;

-          Bồi thường về đất không đúng loại đất có cùng mục đích sử dụng với diện tích đất được thu hồi, bồi thường vượt quá diện tích đất thu hồi, hỗ trợ và tái định cư cao hơn tiêu chuẩn mà người sử dụng đất được bồi thường, hỗ trợ theo quy định gây thiệt hại về tài sản cho Nhà nước hoặc người sử dụng đất;

-          Áp dụng bồi thường bằng tiền cho diện tích đất thu hồi không đúng theo giá đất được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định;

-          Áp dụng bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư cho những trường hợp thu hồi đất không đủ điều kiện được bồi thường về đất, không được áp dụng các khoản hỗ trợ, tái định cư;

-          Áp dụng bồi thường cho khoản chi phí đầu tư vào đất còn lại không thuộc diện chi phí đầu tư vào đất còn lại được bồi thường, áp dụng vượt mức đền bù với chi phí đầu tư vào đất còn lại được bồi thường;

Người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của pháp luật về bồi thường về tài sản, về sản xuất kinh doanh có thể thực hiện các hành vi như:

-          Không bồi thường, bồi thường thấp hơn giá trị tài sản, chi phí di chuyển tài sản khi thu hồi đất, khoản bồi thường do hạn chế khả năng sử dụng đất trong hành lang bảo vệ an toàn thuộc các công trình công cộng, an ninh, quốc phòng mà không thu hồi đất;

-          Bồi thường vượt giá trị thiệt hại tài sản, chi phí di chuyển tài sản, chi phí phát sinh khác khi thu hồi đất;

-          Bồi thường đối với tài sản gắn liền với đất không thuộc diện được bồi thường về tài sản do thu hồi đất;

-          Bồi thường về tài sản cho những tài sản có thể di chuyển làm tăng chi phí bồi thường.

Hành vi khách quan khác:

-          Chậm chi trả tiền bồi thường, thực hiện bồi thường đất, các khoản bồi thường khác làm phát sinh đền bù do chậm thực hiện bồi thường, các chi phí, thiệt hại khác của người sử dụng đất do việc chậm thực hiện bồi thường gây ra;

-          Không khấu trừ khoản tiền tương ứng với nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước của người sử dụng đất có diện tích đất thu hồi làm thất thoát khoản nghĩa vụ tài chính này.

Về hậu quả: Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.

Mối quan hệ nhân quả: hành vi trái pháp luật là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại về tài sản.

Thứ ba, về chủ thể: là người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, mặt chủ quan: người phạm tội có lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp).

-          Lỗi cố ý trực tiếp: người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;

-          Lỗi cố ý gián tiếp: người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Động cơ, mục đích không là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tuy nhiên, động cơ vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác là tình tiết định khung tăng nặng trong tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.



[1] Phạm Văn Beo (2010), Luật Hình sự Việt Nam – Quyển 2 (Phần các tội phạm), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr530.

Chúng tôi luôn đồng hành và hỗ trợ, nếu có bất kỳ thắc mắc gì khách hàng vui lòng liên hệ Văn Phòng Luật sư Quang Thái để được giải đáp chi tiết hơn.

Địa chỉ: G04, 12 Mạc Đĩnh Chi (tầng trệt Tòa nhà City View), Quận 1, TP.HCM

Website: luatsuquangthai.vn

Email: tuvan@luatsuquangthai.vn

Điện thoại: 0903.888.087

 



EmailFacebook!Google!Twitter!Zingme!Twitter!Twitter!
Đánh giá: 32 bình chọn, 0/10