Căn cứ theo quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự 2015, các yếu tố cấu thành tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai như sau:
Thứ nhất, khách thể:
Tội phạm này xâm phạm chế độ quản lý và sử dụng đất đai của Nhà nước, xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của người khác.
Đối tượng tác động của các tội phạm này là đất đai.
Thứ hai, mặt khách quan:
Chủ thể lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau:
- Giao đất trái pháp luật;
- Thu hồi đất trái pháp luật;
- Cho thuê đất trái pháp luật;
- Cho phép chuyển quyền sử dụng đất trái pháp luật;
- Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật.
Việc thực hiện các hành vi trên thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2);
- Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp;
- Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
Thứ ba, về chủ thể: là người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý đất đai theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, mặt chủ quan: người phạm tội có lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp).
- Lỗi cố ý trực tiếp: người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
- Lỗi cố ý gián tiếp: người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Động cơ, mục đích không là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.