Các tình tiết định khung tăng nặng trong quy định tại Điều 230 Bộ luật hình sự 2015 về Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Căn cứ theo khoản 2, khoản 3 Điều 230 Bộ luật hình sự 2015, các tình tiết định khung tăng nặng của Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất như sau:

-          Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

-          Có tổ chức;

-          Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

-          Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

-          Gây thiệt hại từ 300,000,000 đồng đến dưới 1,000,000,000 đồng;

-          Gây thiệt hại từ 1,000,000,000 đồng trở lên.

Theo đó, có thể nhận thấy:

Thứ nhất, động cơ, mục đích không phải là cấu thành của tội này nhưng là một trong những tình tiết định khung tăng nặng hình phạt;

Thứ hai, về tình tiết phạm tội có tổ chức được hiểu như sau:

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Bộ luật hình sự 2015, phạm tội có tổ chức được hiểu là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện tội phạm.

Như vậy, có thể hiểu, phạm tội có tổ chức là trường hợp có từ hai người trở lên cùng cố ý thực hiện tội phạm và đòi hỏi phải có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Mức độ tăng nặng phụ thuộc vào quy mô tổ chức, vai trò của từng người trong việc tham gia vụ việc.

Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức, trong đó:

-          Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm;

-          Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm;

-          Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, đốc thúc người khác thực hiện tội phạm;

-          Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Thứ ba, về tình tiết dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt:

Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt phạm tội là trường hợp khi phạm tội, người phạm tội có những mánh khóe, cách thức gian dối để che dấu, gây khó khăn trong việc phát hiện tội phạm.

Thứ tư, về mức thiệt hại về tài sản: thiệt hại từ hành vi phạm tội là một trong những yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm của Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, phụ thuộc vào mức độ thiệt hại gây ra sẽ ảnh hưởng đến việc định khung hình phạt.

Thứ năm, về tình tiết gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội:

Đây là điểm mới của Bộ luật hình sự 2015 so với Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009). Tuy nhiên, đây được xem là một tình tiết mang tính định tính, việc đánh giá, áp dụng dễ mang tính tùy nghi, phụ thuộc vào nhận thức của cơ quan, người tiến hành tố tụng cũng như phụ thuộc vào đặc trưng, điều kiện phát triển kinh tế của từng vùng miền, địa phương khác nhau, dễ gây đến tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm, hình sự hóa quan hệ hành chính, ngoài ra, còn tạo sự khác biệt, không thống nhất trong nhận thức giữa các địa phương. Do đó, để thuận lợi cho hoạt động xét xử của Tòa án và bảo vệ quyền lợi của công dân, cần có hướng dẫn cụ thể.

Theo thực tiễn áp dụng của Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009), “an ninh, trật tự, an toàn xã hội” là trạng thái ổn định có trật tự, kỷ cương của xã hội. Trật tự, kỷ cương được xác lập trên cơ sở các quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành và những giá trị xã hội, chuẩn mực đạo đức truyền thống được mọi người trong xã hội thừa nhận, tôn trọng, tuân thủ.

Từ nhận định trên, hành vi “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” có thể được hiểu là hành vi của một cá nhân, pháp nhân làm phá vỡ trật tự, kỷ cương của xã hội một cách nghiêm trọng, khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân mất niềm tin, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phá vỡ quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành, xâm phạm những giá trị xã hội, chuẩn mực đạo đức được mọi người tôn trọng, thừa nhận, tuân thủ.

 



EmailFacebook!Google!Twitter!Zingme!Twitter!Twitter!
Đánh giá: 39 bình chọn, 1/10