1. Khái quát về kết cấu
Kết cấu là bộ phận chịu lực chính của công trình. Kết cấu gồm nhiều cấu kiện liên kết lại tạo thành bộ khung cho một công trình như: sàn, dầm, cột, vách, móng…Hiện nay, gạch đá, bê tông cốt thép, thép và gỗ là các loại vật liệu phổ biến được sử dụng cho kết cấu công trình.
Chủ sở hữu có được sửa chữa, cải tạo sửa chữa nhà chung cư hay không? Ảnh minh họa
2. Quy định của pháp luật về việc thay đổi kết cấu
Căn cứ quy định tại Điều 86, 87 Luật Nhà ở năm 2014, chủ sở hữu nhà ở được cải tạo nhà ở của mình. Tuy nhiên việc cải tạo nhà ở phải thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật về xây dựng. Việc cải tạo nhà chung cư cao tầng phải có thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 “Nhà chung cư” là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.
Theo đó, tại điều 6 Luật Nhà ở năm 2014, chủ sở hữu Nhà chung cư bị nghiêm cấm đối với hành vi“Chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung hoặc của các chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức; tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư”.
Căn cứ theo Luật Xây dựng 2014, chủ sở hữu được phép sửa chữa cải tạo nhà chung cư không phải xin giấy phép xây dựng đối với các trường hợp sau:
- Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;
- Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc.
Kết luận, nếu chủ sở hữu nhà chung cư muốn sửa chữa nhà ở có thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư không thuộc các trường hợp được miễn trừ cấp phép xây dựng như trên, chủ sở hữu phải xin cấp phép xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo.
3. Thành phần hồ sơ
Căn cứ theo Thông tư 15/2016/TT-BXD, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo gồm có:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình, nhà ở, theo mẫu tại Phụ lục số 1 Thông tư 15/2016/TT-BXD.
- Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình, nhà ở theo quy định của pháp luật hoặc bản sao giấy phép xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
- Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính bản vẽ hiện trạng của bộ phận, hạng Mục công trình sửa chữa, cải tạo đã được phê duyệt theo quy định có tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ các bản vẽ của hồ sơ đề nghị cấp phép sửa chữa, cải tạo và ảnh chụp (10 x 15 cm) hiện trạng công trình và công trình lân cận trước khi sửa chữa, cải tạo.
- Đối với các công trình di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng, thì phải có bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp.
BAN BIÊN TẬP - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ QUANG THÁI