Để hiểu rõ vấn đề này cần xác định thời điểm nhận chuyển quyền sử dụng đất là khi nào? Các bên có thỏa thuận phân chia hay không? Để xác định được đây là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng. Như vậy, có 2 trường hợp như sau:
Thứ nhất, đây là tài sản chung của vợ chồng
Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình:
“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Căn cứ theo quy định tại Điều 35 Luật hôn nhân và gia đình 2014, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng cùng thỏa thuận, việc đình đoạt tài sản chung là bất động sản; đồng sản phải đăng ký quyền sở hữu và tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của hai vợ chồng. Trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định này thì căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP, chồng/vợ có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.
Ngoài ra, đối với trường hợp giao dịch liên quan đến nhà ở nơi ở duy nhất của vợ chồng thì căn cứ theo quy định tại Điều 31 Luật hôn nhân và gia đình 2014, việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến tài sản này phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải đảm bảo chỗ ở cho vợ chồng.
Do đó, nếu sau khi kết hôn, vợ chồng cùng tạo lập khối tài sản chung là quyền sử dụng đất hoặc đó là tài sản riêng của một bên nhưng đồng ý cho bên còn lại đứng tên chung trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đó được xem là tài sản chung của vợ chồng. Nên khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có sự đồng ý bằng văn bản của 2 vợ chồng. Còn một trong các bên có thể đại diện ký tên chuyển nhượng trong văn bản chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Ảnh minh họa
Thứ hai, đây là tài sản riêng của vợ chồng
Căn cứ theo quy định tại Điều 32 Luật hôn nhân và gia đình:
“Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật Hôn nhân và gia đình; đồ dùng, tư trang cá nhân.”
Như vậy, nếu khi kết hôn mà một trong hai bên có tài sản không nhập quyền sử dụng đất vào tài sản chung thì quyền sử dụng đất đó vẫn là tài sản riêng. Nên có thể chuyển nhượng đất mà không cần sự đồng ý của bên còn lại và do đó, bên còn lại không cần phải ký tên vào giao dịch chuyển quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đối với trường hợp nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng thì căn cứ theo quy định tại Điều 31 Luật hôn nhân và gia đình, chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải đảm bảo chỗ ở cho vợ chồng.
Ngoài ra, cần chú ý là nếu mảnh đất đó đã đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ mảnh đất đó là nguồn sống duy nhất của cả gia đình thì việc định đoạt mảnh đất phải được sự thỏa thuận của cả hai vợ chồng.
Mọi chi tiết xin liên hệ: Văn phòng Luật sư Quang Thái, số 12 Mạc Đĩnh Chi, phường Đakao, Quận 1, TP. HCM.
Website: luatsuquangthai.vn
Email: tuvan@luatsuquangthai.vn
Điện thoại: 0903 840 440